Lịch sử Ebla

"Ebla" có thể nghĩa là "đá trắng", gọi theo nền đất đá vôi của thành phố.[2][3] Ebla lần đầu tiên có người sinh sống khoảng năm 3500 TCN.[4][5] Thành phố tăng trưởng nhờ nhiều làng nông nghiệp xung quanh.[4] Các thành khác đều được hưởng lợi khi Ebla giữ vai trò điểm trung chuyển kết nối nhu cầu mậu dịch giữa các vùng gia tăng, khởi đầu với mặt hàng sợi len cho Sumer.[4] Các nhà khảo cổ gọi thời kỳ ban đầu này là "Mardikh I" chấm dứt khoảng năm 3000 TCN.[6] Sau Mardikh I là thời vương quốc thứ nhất và thứ nhì tồn tại từ khoảng năm 3000 đến 2000 TCN, còn được gọi là "Mardikh II".[7] I. J. Gelb coi Ebla thuộc nền văn minh Kish của các cộng đồng dân Semit trải dài từ trung tâm Lưỡng Hà đến phía tây Levant.[8]

Vương quốc thứ nhất

Vương quốc Ebla đệ nhất
Tên bản ngữ
  • Ebla
Khoảng 3000 TCN–Khoảng 2300 TCN
Vương quốc thứ nhất khi bành trướng nhất, tính cả các chư hầu
Thủ đôEbla
Ngôn ngữ thông dụngTiếng Ebla
Tôn giáo chính
Tôn giáo Levant cổ[9]
Chính trị
Chính phủQuân chủ
Lịch sử 
• Thành lập
Khoảng 3000 TCN
• Giải thể
Khoảng 2300 TCN
Kế tục
Vương quốc thứ nhì Mari
Hiện nay là một phần của Syria
 Lebanon
 Turkey

Trong thời vương quốc thứ nhất từ khoảng năm 3000 đến 2300 TCN, Ebla là vương quốc nổi bật nhất trong số các quốc gia ở Syria, đặc biệt là trong nửa sau của thiên niên kỷ 3 TCN, được gọi là "thời đại lưu trữ" với các bảng Ebla.[7]

Giai đoạn sớm

Giai đoạn sớm 3000-2400 TCN gọi là "Mardikh IIA".[7][10] Trước thời kỳ có bản lưu trữ chữ viết, các hiểu biết tổng quan về lịch sử thành phố có được nhờ khai quật.[11] Giai đoạn đầu Mardikh IIA được xác định với kiến trúc "CC",[12] và một phần cấu trúc "G2",[13] có vẻ là cung điện hoàng gia được xây khoảng năm 2700 TCN.[4][14] Cuối giai đoạn này bắt đầu diễn ra Chiến tranh hàng trăm năm với Mari.[15][16] Mari có ưu thế nhờ vua Saʿumu chiếm được nhiều thành của Ebla.[17] Giữa thế kỷ 25 TCN, vua Kun-Damu đánh bại Mari nhưng vương quyền suy sụp dần sau thời đó.[note 2][18]

Giai đoạn lưu trữ

Cung điện hoàng gia "G"

Giai đoạn lưu trữ còn được gọi là "Mardikh IIB1", kéo dài từ khoảng 2400-2300 TCN.[7] Thời kỳ này kết thúc bằng "sự phá hủy đầu tiên",[19] chủ yếu đề cập đến sự sụp đổ của cung điện (cung điện "G" được xây dựng trên "G2" trước đó)[20] và nhiều hệ thống thành cao.[21] Trong giai đoạn lưu trữ, Ebla đặt quyền thống trị chính trị và quân sự trên các thành phố khác ở miền bắc và miền đông Syria, đều được ghi chép lại.[22] Hầu hết các bảng giai đoạn này có nội dung về kinh tế nhưng cũng có cả thư tín hoàng gia và ngoại giao.[23]

Không có các bảng trước thời Igrish-Halam,[24] khi mà Ebla thần phục Mari[25] và vua Mari Iblul-Il chinh phạt các thành Ebla tại miền trung Euphrates.[26][27] Ebla hồi phục thịnh vượng dưới thời vua Irkab-Damu khoảng năm 2340 TCN và phản công Mari thắng lợi.[28][29] Irkab-Damu thiết lập hòa ước và mậu dịch với Abarsal;[note 3][30] đây là một trong những hiệp ước cổ nhất còn ghi lại trong lịch sử.[31]

Vào thời điểm bành trướng nhất, Ebla kiểm soát một diện tích gần bằng nửa Syria hiện đại,[32] từ Ursa'um ở phía bắc[33] đến khu vực xung quanh Damascus ở phía nam,[34] từ Phoenicia và các dãy núi ven biển phía tây[35][36] đến Haddu ở phía đông.[30][37] Đa phần vương quốc do vua trực tiếp quản lý qua các quan tổng đốc; phần còn lại thuộc các nước chư hầu.[32] Armi là một trong những chư hầu quan trọng nhất,[38] được nhắc đến nhiều trong các bảng Ebla.[39] Ebla có hơn 60 chư hầu và thành bang,[40] có thể kể đến như Hazuwan, Burman, Emar, HalabituSalbatu.[29][37][41]

Chức vụ wazir giống như tể tướng trong triều, có quyền hành rất lớn.[42] Wazir mạnh nhất là Ibrium, người đã vận động chống lại Abarsal thời tiên triều Arrukum.[43] Dưới thời Isar-Damu, Ebla tiếp tục chiến tranh với Mari (thế lực này đánh bại đồng minh Nagar của Ebla, chặn khoá các tuyến giao thương giữa Ebla nối nam Lưỡng Hà qua thượng Lưỡng Hà).[25] Ebla thường xuyên mang quân trấn áp các chư hầu nổi loạn[43] như đánh Armi[44][45][39] hay vùng phía nam Ib'al kéo dài đến Qatna.[43][46] Trong cuộc chiến với Mari, Isar-Damu liên minh với Nagar và Kish.[47] Wazir Ibbi-Sipish lãnh đạo quân liên minh giành thắng lợi quyết định trong trận chiến gần Terqa.[43] Liên minh tiếp tục tấn công và chiếm được Armi, con trai của Ibbi-Sipish là Enzi-Malik làm tổng đốc cai quản vùng này.[39] Vài năm sau, Ebla bị tàn phá lần đầu tiên,[48] có thể là sau khi Isar-Damu băng hà.[49]

Lần hủy diệt đầu tiên

Trận phá hủy đầu tiên xảy ra k. 2300 TCN; Cung điện "G" bị thiêu cháy, nung cứng các văn bản đất sét và bảo tồn chúng.[50] Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân và thủ phạm gây ra đám cháy:[48]

Hình ảnh chiến binh Akkad của Naram-Sin với mão trụ và trường kiếm, trên tấm bia Nasiriyah. Tay cầm chiếc bình kim loại kiểu Anatolia.[51]
  • Giả thuyết ưu thế dựa theo niên đại (sớm): Giovanni Pettinato ủng hộ ý kiến về một Ebla xuất hiện sớm và sự hủy diệt xảy ra khoảng năm 2500 TCN.[note 4][53] Pettinato lúc đầu đưa ra thời điểm 2500 TCN, về sau chấp thuận việc sự kiện có thể xảy ra khoảng 2400 TCN.[note 5][54] Học giả này nghiêng về giả thuyết thành bị phá hủy năm 2400 TCN do quân Lưỡng Hà như vua Lagash Eannatum (tuyên bố nhận triều cống từ Mari) hoặc vua Umma Lugalzagesi (người nhận rằng đã đến tận Địa Trung Hải).[note 6][54]
  • Giả thuyết Akkad: Cả Sargon Đại đế và cháu trai là Naram-Sin đều tuyên bố triệt hạ một thành với tên gọi Ibla,[55] Paolo Matthiae, người phát hiện ra Ebla, cho rằng nhiều khả năng Sargon là hung thủ.[note 7][57] Ý kiến này được Trevor R. Bryce ủng hộ,[58] nhưng bị Michael Astour phản bác.[note 8][62] Cuộc chinh phục Armanum và Ebla bên bờ Địa Trung Hải của Naram-Sin được nhắc đến trong nhiều các văn bản thời đó:[63]

"Trong khi, từ khi loài người được tạo dựng, không vua nào có thể đánh được Armanum và Ebla, thần Nergal bằng vũ khí trong tay đã mở đường cho Naram-Sin, vua quyền năng, và ban Armanum và Ebla cho người. Hơn nữa, ngài còn ban Amanus, núi Tuyết tùng và biển Thượng cho người. Bằng vũ khí của thần Dagan, đấng đã tôn vinh vương quyền người, vua quyền năng Naram-Sin đã chinh phục Armanum và Ebla."

— Văn bản của Naram-Sin. E 2.1.4.26[63]
  • Mari báo thù: Theo Alfonso ArchiMaria Biga, việc phá hủy xảy ra khoảng ba hoặc bốn năm sau trận Terqa.[48] Archi và Biga cho rằng việc này do Mari[48] gây ra để rửa nỗi nhục tại Terqa.[64] Quan điểm này được Mario Liverani ủng hộ.[43] Archi cho rằng vua Isqi-Mari đã tiêu diệt Ebla trước khi lên ngôi Mari.[65]
  • Thảm họa tự nhiên: Ý kiến Astour lại cho là thiên tai đã gây ra đám cháy kết thúc giai đoạn lưu trữ.[21] Lập luận cho giả thuyết này ở chỗ chỉ có cung điện bị tàn phá, ngoài ra không có bằng chứng thuyết phục về nạn cướp bóc.[21] Ông tính mốc đám cháy xảy ra khoảng năm 2290 TCN (Trung niên đại).[66]

Vương quốc đệ nhị

Vương quốc Ebla đệ nhị
Tên bản ngữ
  • Ebla
Khoảng 2300 TCN–Khoảng 2000 TCN
Ranh giới ước đoán của vương quốc đệ nhị
Thủ đôEbla
Chính trị
Chính phủQuân chủ
Lịch sử 
• Thành lập
Khoảng 2300 TCN
• Giải thể
Khoảng 2000 TCN

Thời kỳ vương quốc đệ nhị ứng với "Mardikh IIB2" kéo dài từ năm 2300 đến 2000 TCN.[19] Vương quốc đệ nhị tồn tại cho đến lần hủy diệt thứ nhì xảy ra trong khoảng năm 2050-1950 TCN, với dấu mốc quy ước chính thức thường là 2000 TCN.[67][68] Người Akkad dưới quyền Sargon Đại đế và hậu duệ của ông là Naram-Sin xâm lăng biên giới phía bắc Ebla nhằm vào các khu rừng trên núi Nur. Hai cuộc xâm lược cách nhau khoảng 90 năm và không sáp nhập được các khu vực này vào Akkad.[16] Archi chấp nhận "Ibla" chép trong biên niên sử Sargon và Naram-Sin chính là Ebla nhưng không coi Akkad là nguyên nhân gây ra sự phá hủy khép lại giai đoạn lưu trữ.[69] Đến thời Naram-Sin, Armi là thành thống trị ở miền bắc Syria nhưng đã bị vua Akkad tàn phá.[70]

Cung điện "P5"

Một triều đại mới mang tính địa phương cai trị vương quốc Ebla đệ nhị[58] trong sự kế thừa liên tục di sản vương quốc đầu tiên,[71] duy trì những nét đặc trưng ban đầu như phong cách kiến trúc và tính linh thiêng của các địa điểm tôn giáo trước đó.[72] Cung điện hoàng gia mới được xây dựng ở khu hạ thành.[73] Có lẽ quá trình chuyển đổi giữa hai vương quốc chỉ được đánh dấu bằng việc cung điện "G" bị phá hủy.[21] Có rất ít thông tin về vương quốc đệ nhị vì không phát hiện được văn bản nào ngoài một bản khắc có niên đại vào cuối thời kỳ này.[73]

Vương quốc đệ nhị được chứng thực trong các nguồn tài liệu đương thời. Trong một văn bản, Gudea vua Lagash ra lệnh mang gỗ tuyết tùng về từ Urshu trong núi Ebla, cho thấy lãnh thổ Ebla gồm cả Urshu phía bắc Carchemish Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.[74] Văn bản có niên đại năm thứ bảy triều Amar-Sin vua đế quốc Ur III (khoảng 2040 TCN),[note 9] nhắc đến sứ thần từ Ensí ("Megum") thuộc Ebla.[note 10][note 11][81] Vương quốc đệ nhị được coi là chư hầu của Ur III,[82] nhưng bản chất mối quan hệ này chưa được làm rõ dù có hình thức triều cống.[83] Có thể việc thần phục Ur là điều kiện bắt buộc đề tiến hành giao thương với đế quốc này.[33]

Vương quốc đệ nhị tan rã vào cuối thế kỷ 21 TCN[33] và kết thúc bằng một trận cháy, dù bằng chứng chỉ tìm thấy ngoài "Đền Đá" và quanh cung điện "E" trên đô thị thành cao.[72] Chưa rõ nguyên nhân hủy diệt này;[72] theo Astour, có thể là do người Hurri xâm lăng khoảng năm 2030 TCN,[84] chư hầu của Ebla trước đây là thành Ikinkalis[note 12] lãnh đạo cuộc xâm lược này.[86] Sự hủy diệt Ebla được nhắc đến trong mảnh rời của sử thi huyền thoại Hurro-Hittite "Bài ca phóng thích" phát hiện năm 1983,[87] Astour coi đó là nói về sự phá hủy của vương quốc đệ nhị.[88] Trong sử thi, một người tên "Zazalla" dẫn một nhóm người Ebla ngăn vua Meki ân xá tù nhân từ chư hầu Ikinkalis trước đây,[85] việc này chọc giận thần bão Hurri là Teshub khiến thần hủy diệt thành phố.[89]

Vương quốc đệ tam

Vương quốc Ebla đệ tam
Tên bản ngữ
  • Ebla
Khoảng 2000 TCN–Khoảng 1600 TCN
Thủ đôEbla
Ngôn ngữ thông dụngTiếng Amorite[90]
Tôn giáo chính
Tôn giáo cổ Levant
Chính trị
Chính phủQuân chủ
Lịch sử 
• Thành lập
Khoảng 2000 TCN
• Giải thể
Khoảng 1600 TCN
Kế tục
Hittites
Mảnh tượng Ibbit-Lim

Vương quốc đệ tam ứng với "Mardikh III" được chia thành các giai đoạn "A" (khoảng 2000–1800 TCN) và “B” (khoảng 1800–1600 TCN).[19] Trong giai đoạn "A", Ebla nhanh chóng được tái thiết quy hoạch lại.[91] Nền móng bao trùm lên tàn tích Mardikh II; cung điện và đền thờ mới được xây dựng, các đồn lũy mới được dựng theo hai vòng tròn — một cho hạ thành và một cho đô thị thành cao.[91] Nhà cửa được bố trí theo các dãy đều đặn, ngoài ra còn có các tòa nhà công cộng lớn.[92][93] Đến giai đoạn "B" lại xây dựng bổ sung thêm nữa.[92]

Cung điện wazir

Vị vua đầu tiên được biết đến của vương quốc đệ tam là Ibbit-Lim,[94] người tự xưng là Mekim vua Ebla.[note 13][78] Năm 1968 phát hiện một bức tượng thờ bằng đá bazan có mang dòng chữ của Ibbit-Lim; việc này giúp cho nhận diện tàn tích Tell Mardikh với vương quốc Ebla cổ.[78][94] Pettinato cho rằng danh hiệu vua là Amorite nên có thể cư dân vương quốc đệ tam chủ yếu là người Amorite cũng như phần lớn Syria thời đó.[96]

Vào đầu thế kỷ 18 TCN, Ebla trở thành chư hầu của Yamhad là một vương quốc người Amorite có trung tâm ở Aleppo.[97][98] Thời này không có các văn bản ghi chép lại, nhưng vị thế chư hầu tồn tại suốt thời Yarim-Lim III vua Yamhad.[92] Một vị vua Ebla được biết đến trong thời kỳ này là Immeya đã nhận quà tặng từ Pharaoh Ai Cập Hotepibre, cho thấy các mối liên hệ tiếp diễn và vị thế quan trọng của Ebla.[99] Ebla được nhắc đến trong các bảng ở một chư hầu Yamhad khác nay tại Alalakh, Thổ Nhĩ Kỳ; trong đó một công nương Ebla cưới hoàng tử con Ammitaqum vua Alalakh là một trong các chi của dòng tộc vương triều Yamhad.[100][101]

Ebla bị vua Hittite Mursili I phá hủy khoảng năm 1600 TCN.[102] Indilimma có thể là vua Ebla cuối cùng;[103] ấn triện thái tử Maratewari được phát hiện ở tây cung "Q".[103][104] Theo Archi, sử thi "Bài ca phóng thích" mô tả sự hủy diệt của vương quốc đệ tam và lưu giữ các dữ kiện cổ xưa hơn.[85]

Các giai đoạn sau

Ebla không bao giờ hồi phục lại sau lần hủy diệt thứ ba. Đó là một ngôi làng nhỏ trong giai đoạn "Mardikh IV" (1600 – 1200 TCN),[102] và được đề cập trong các ghi chép về Alalakh với tư cách là một chư hầu của triều đại Idrimi.[105] "Mardikh V" (1200 – 535 TCN) là một thôn làng thời kỳ đồ sắt sớm, phát triển về quy mô trong các giai đoạn sau.[102] Sự phát triển tiếp theo ở "Mardikh VI" kéo dài cho đến năm 60 SCN.[102] "Mardikh VII" bắt đầu từ thế kỷ 3 kéo dài cho đến thế kỷ 7,[106] sau đó thì hoang phế.[107]